Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông được từ 15-45 triệu đồng
Theo quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, quỹ bảo hiểm xe cơ giới sẽ hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn giao thông trong các trường hợp xe gây tai nạn không có bảo hiểm TNDS, chủ xe bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường do không thuộc phạm vi bảo hiểm, không xác định được xe gây tai nạn. Mức hỗ trợ 30% mức trách nhiệm bảo hiểm (45 triệu đồng) đối với trường hợp tử vong, 10% đối với trường hợp bị thương phải cấp cứu.
- Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là gì?
- Nguồn hình thành quỹ
- Đơn vị quản lý và sử dụng quỹ
- Thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ nhân đạo
- Kết quả sử dụng quỹ
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là gì?
Theo Điều 24 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, quỹ Bảo hiểm xe cơ giới là Quỹ được thành lập để thực hiện các hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo; công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các hoạt động liên quan nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an toàn xã hội.
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đóng góp, được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Đây là một chính sách rất nhân văn của Nhà nước, mọi người nên tích cực tham gia thay vì đòi bỏ bắt buộc như dư luận đang có một số ý kiến đòi bỏ bắt buộc bảo hiểm xe máy trong thời gian qua.
Nguồn hình thành quỹ
Quỹ thu từ việc trích một phần phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm Tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Ngoài ra, nguồn thu từ quỹ là lãi tiền gửi và các nguồn tài trợ khác.
Đơn vị quản lý và sử dụng quỹ
Hiệp hội bảo hiểm được giao làm đầu mối quản lý và sử dụng quỹ. Cơ cấu tổ chức quản trị, điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là cơ quan giúp việc cho bộ máy quản trị
Thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ nhân đạo
Thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư số 04/2021/TT-BTC của Bộ tài chính.
Quy trình, thủ tục và hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo:
1) Quy trình, thủ tục chi hỗ trợ nhân đạo:
– Người bị thiệt hại hoặc người thừa kế (trường hợp người bị thiệt hại tử vong) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi) (sau đây gọi tắt là người bị thiệt hại) liên hệ với Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để được hướng dẫn lập hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo.
– Trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị của người bị thiệt hại, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
– Trong vòng 2 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm thanh toán cho người bị thiệt hại. Trường hợp từ chối chi hỗ trợ nhân đạo, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có văn bản giải thích rõ lý do.
2 Hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo:
Người bị thiệt hại có trách nhiệm thu thập 1 bộ hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo gồm các tài liệu sau:
2.1) Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn:
– Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).
– Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.
– Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông, trong đó nêu rõ vụ tai nạn giao thông không xác định được xe gây tai nạn.
2.2) Trường hợp xe không tham gia bảo hiểm:
– Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).
– Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.
– Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông.
2.3) Trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
– Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).
– Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.
– Bản gốc văn bản từ chối bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông.
Đơn đề nghị hỗ trợ gửi đến Văn phòng Quỹ bảo hiểm Xe cơ giới đặt tại Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, địa chỉ 141 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT 0243 941 2063 – 0948 485285
Kết quả sử dụng quỹ
Theo báo cáo kiểm toán quỹ do HHBH Việt Nam cung cấp, năm 2021 tổng nguồn quỹ 449 tỷ đồng, số dư nguồn và thu trong năm là 215 tỉ đồng, luỹ chi kế nhân đạo cho các nạn nhân chỉ 1.33 tỷ đồng (trong năm 2021 không chi hỗ trợ nhân đạo đồng nào), trong khi luật quy định phải chi hỗ trợ nhân đạo tối thiểu 25% quỹ (lẽ ra phải chi 53,7 tỉ đồng). Nguyên nhân có thể do việc tuyên truyền không được thực hiện tốt nên người dân không biết đến lợi ích này